Kiến thức quản trị
Trang chủ Giải pháp Tin tức Five Performance Objectives - Mô hình chiến lược thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp
Huyền My
(10.03.2023)

Five Performance Objectives - Mô hình chiến lược thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp

Một quy trình vận hành mượt mà, chặt chẽ xuyên suốt là yếu tố tất yếu mà mỗi doanh nghiệp thành công đều cần sở hữu. Để xây dựng một quy trình vận hành trôi chảy, tất cả các thành viên trong doanh nghiệp đều cần nắm rõ nhiệm vụ và mục tiêu của chính mình trong chiến lược tổng thể của công ty. Do đó, nhà lãnh đạo cần nhất quán mục tiêu chung ngay từ khi lập kế hoạch ban đầu với đội ngũ của mình, và cần đảm bảo mọi hoạt động và đóng góp của nhân sự đều theo sát chí hướng phát triển của tổ chức.

Trong bài viết này, hãy cùng 1C Việt Nam tìm hiểu mô hình đánh giá Five Performance Objectives và cùng xem doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình vào chiến lược kinh doanh của mình như nào nhé!

 

Mô hình Five Performance Objectives là gì?

Thuật ngữ “Performance Objectives” trong kinh doanh nhắc tới các yếu tố cấu thành nên mục tiêu hiệu suất của doanh nghiệp. Việc xác định mục tiêu hiệu suất sẽ giúp lãnh đạo truyền tải được đường hướng phát triển tới nhân viên, giúp nhân viên hiểu rõ được trách nhiệm và công việc mình làm có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của doanh nghiệp như nào. Hơn nữa, người lãnh đạo sau khi xác định rõ mục tiêu hiệu suất và trách nhiệm của từng vị trí, bộ phận cũng có thể dễ dàng kiểm tra công việc của nhân sự tại bất cứ giai đoạn nào mà không cần theo dõi quá sát sao, gây ảnh hưởng tới hiệu suất cá nhân đồng thời khiến nhân viên không thoải mái khi bị kèm cặp quá chặt.

Khi lãnh đạo và nhân viên cùng hợp sức thảo luận, nghiên cứu cùng nhau để xác định ra mục tiêu hiệu suất chung, không chỉ người nhân viên sẽ cảm thấy có trách nhiệm, có tự chủ hơn với công việc của mình, mà toàn thể doanh nghiệp cũng nhận được thêm nhiều góc nhìn đa dạng từ các khía cạnh chuyên môn của mỗi bộ phận. Sau khi đã xác định được các chỉ số đánh giá hiệu suất cá nhân (KPI) phù hợp, mỗi thành viên sẽ đều có thể sắp xếp các công việc ưu tiên cũng như theo dõi được sát sao kết quả làm việc của mình. Trong quá trình triển khai công việc, lãnh đạo sẽ cần kiểm tra và đánh giá lại kết quả thực hiện của nhân viên. Khi các mục tiêu hiệu suất chung đã được thống nhất, nhà lãnh đạo có thể tham chiếu lại khung mục tiêu đã đề ra ban đầu để đánh giá quá trình làm việc của nhân viên chính xác hơn, cũng như có thể đưa ra những nhận xét, góp ý thực tế với kết quả cần đạt được.

Khác với các chỉ số KPI, mục tiêu hiệu suất không được đề ra cho từng đầu việc cụ thể, mà được xác định để thể hiện tổng quát kết quả cuối cùng tất cả đội ngũ doanh nghiệp cần đạt được sau quá trình làm việc, phối hợp cùng nhau. Theo chuyên gia Quản trị vận hành nổi tiếng Nigel Slack, cũng là cha đẻ của mô hinh Five Performance Objectives, để đảm bảo quy trình vận hành trơn tru và đạt được kết quả tích cực nhất, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng 5 mục tiêu hiệu suất sau:

 

5 mục tiêu Five Performance Objectives

  1. Quality - Chất lượng: Một quan ngại tất yếu của người tiêu dùng hay khách hàng khi cân nhắc một sản phẩm chính là chất lượng. Sản phẩm chất lượng cao chính là chiến lược thúc đẩy bán hàng và giữ chân khách hàng hiệu quả hàng đầu. Không chỉ vậy, tập trung vào chất lượng sản phẩm ngay từ những giai đoạn đầu còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, phòng tránh lãng phí, từ đó doanh nghiệp có thêm nguồn lực dành cho các hoạt động khác, nâng cao khả năng hỗ trợ khách hàng và gia tăng trải nghiệm tích cực của khách hàng với thương hiệu. Để đạt được những tiêu chí này, doanh nghiệp không chỉ cần sản xuất một sản phẩm với chất lượng tốt, mà còn cần duy trì tiêu chuẩn đó xuyên suốt tất cả các dòng sản phẩm, các hoạt động ưu đãi, hay các dịch vụ đi kèm, đảm bảo rằng khách hàng sẽ luôn hài lòng với chất lượng của thương hiệu và có thể lan truyền ấn tượng tốt này tới những khách hàng tiềm năng khác.
  2. Speed - Tốc độ: Thời gian là vàng, đặc biệt là thời gian của khách hàng. Không vị khách nào muốn phải chờ đợi quá lâu khi đi mua hàng. Yếu tố tốc độ trong mô hình đánh giá Five Performance Objectives cân nhắc tới khoảng thời gian khách hàng đợi phản hồi từ doanh nghiệp, tính từ thời điểm vị khách đó bắt đầu liên hệ tới doanh nghiệp lần đầu tiên, cho tới khi khách hàng đã hài lòng với sản phẩm/dịch vụ nhận được và muốn kết thúc quá trình giao dịch. Trong thời đại thị trường phẳng như hiện nay, chất lượng là yếu tố mọi doanh nghiệp đều có thể đạt tới tiêu chuẩn như nhau, vậy nên những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng nhanh hơn sẽ là những doanh nghiệp chiến thắng. Với sự có mặt của công nghệ và các công cụ tự động hóa vận hành, doanh nghiệp sẽ có thể vượt lên nhanh chóng nếu biết tận dụng và áp dụng công nghệ vào quy trình của mình.
  3. Dependability - Uy tín: Uy tín tạo niềm tin. Để khách hàng có thể đi từ tâm lý hứng thú sang tin tưởng sản phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp cần đảm bảo khách hàng sẽ nhận được sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu và mong đợi ban đầu. Sự uy tín cũng chính là công cụ marketing “0 đồng” dành cho các doanh nghiệp, khi danh tiếng thương hiệu sẽ được lan truyền với thái độ tích cực bởi những vị khách đã có niềm tin. Nhờ sự phát triển của những công cụ tổng hợp và đo lường dữ liệu, doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược phục vụ chính xác dựa vào phân tích dữ liệu nhu cầu và hành vi của khách hàng.
  4. Flexibility - Sự linh hoạt: 2 năm Covid-19 đã chứng minh cho chúng ta thấy không có gì là bình ổn mãi mãi. Doanh nghiệp muốn duy trì hiệu quả tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cần phát huy khả năng linh hoạt nhằm đáp ứng những nhu cầu liên tục thay đổi của khách hàng và thị trường. Những công nghệ quản trị vận hành hiện nay sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, xác định và dự đoán rủi ro, từ đó giúp nhà lãnh đạo lên chiến lược đối phó hợp lý để phản hồi kịp thời với những biến động thị trường.
  5. Cost - Chi phí: Giá cả là yếu tố ảnh hưởng không hề nhỏ tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Bằng việc tối ưu quy trình hoạt động, doanh nghiệp có thể tiết kiệm một khoản lớn chi phí sản xuất và chi phí vận hành, từ đó tạo cho doanh nghiệp cơ hội hạ thấp giá bán sản phẩm, mang lại giá thành thấp hơn cho khách hàng cùng lúc tăng khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường. Với các công cụ tự động hóa vận hành, doanh nghiệp sẽ có thể tối ưu hiệu suất làm việc của đội ngũ, đồng thời giảm tối thiểu những rủi ro và thất thoát do sai sót, từ đó tiết kiệm được chi phí vận hành mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm. 

 

Áp dụng Five Performance Objectives vào chiến lược kinh doanh

Bất cứ một cá nhân hay bộ phận nào trong doanh nghiệp cũng đều có thể áp dụng mô hình Five Performance Objectives vào quá trình lên kế hoạch công việc và tính toán KPI hợp lý. Nhà lãnh đạo có thể tham khảo các gợi ý chiến lược sau đối với từng phòng ban trong doanh nghiệp:

  • Phòng chiến lược: Trong quá trình lên chiến lược giúp nâng cao độ trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp, phòng chiến lược có thể tính tới bước phát triển các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết. Để thiết kế ra chính sách đem lại lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp, Phòng chiến lược cần lưu ý tới mục tiêu Speed - tốc độ cung cấp sản phẩm tới khách hàng và Dependability - số lượng người đăng ký trở thành khách hàng thân thiết của thương hiệu.
  • Phòng thiết kế: Không chỉ riêng các phòng ban liên quan trực tiếp tới chiến lược kinh doanh mới có thể áp dụng mô hình Five Performance Objectives vào công việc, mà ngay cả những bộ phận đòi hỏi tính sáng tạo như Phòng thiết kế cũng có thể lên kế hoạch bám sát mục tiêu chung hơn nhờ cân nhắc mô hình này. Để thiết kế ra những sản phẩm “hợp gu” người tiêu dùng, Phòng thiết kế có thể tập trung vào mục tiêu Quality - mang tới khách hàng những thành phẩm thiết kế chất lượng cao, được nghiên cứu cẩn thận đáp ứng đúng thị hiếu người dùng.
  • Phòng marketing: Đối với bộ phận Marketing, hai mục tiêu hiệu suất cần được quan tâm tới hơn cả chính là Quality - chất lượng, tính năng của sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu khách hàng và Dependability - số lượng người theo dõi, biết tới và tin tưởng thương hiệu. Hai mục tiêu này sẽ giúp Phòng marketing định vị đúng vị trí sản phẩm và thương hiệu của mình trên thị trường cũng như nắm rõ các mối quan tâm của người tiêu dùng để truyền tải đúng thông điệp.
  • Phòng sale: Nhằm đạt chỉ tiêu bán hàng cao nhất, Phòng sale cần chú ý tới mục tiêu Flexible - tính linh hoạt trong quá trình bán hàng, để có thể kịp thời thích ứng với thay đổi thị trường cũng như các yêu cầu mới “khó lường” của khách hàng.
  • Phòng tài chính: Thể hiện ngay trong tên bộ phận, mục tiêu hiệu suất Phòng tài chính cần để tâm tới nhất chính là Cost - chi phí vận hành và ngân sách cho các hoạt động của doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc lên ngân sách đầy đủ, Phòng hành chính còn cần biết cách tối ưu ngân sách cho từng hoạt động cụ thể, sao cho chi phí vận hành luôn ở mức thấp nhất trong khi vẫn duy trì được chất lượng đầu ra cuối cùng.

Để một tổ chức hoạt động đạt tới trạng thái tối ưu nhất, tất cả các thành viên trong tổ chức cũng cần làm việc và phối hợp với nhau hiệu quả trong mọi giai đoạn. Việc đặt mục tiêu hiệu suất sẽ giúp doanh nghiệp định hướng từng cá nhân và bộ phận hành động theo đúng mục tiêu phát triển của công ty. Quá trình xác định, đo lường và đánh giá các mục tiêu hiệu suất cũng có thể giúp doanh nghiệp nhìn ra những điểm không hiệu quả ở các khâu đang tắc nghẽn trong quy trình vận hành.

 

Ngoài ra, các công cụ tự động hóa cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đạt kết quả hay thậm chí vượt trên cả mục tiêu đã đề ra. Những công nghệ giúp tối ưu quy trình vận hành và tổng hợp, đo lường dữ liệu chính xác như 1C:Trade Management sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu suất, tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giúp nhân sự doanh nghiệp cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc nhờ có quy trình hoạt động “dễ thở” hơn, từ đó tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thúc đẩy mức độ tăng trưởng tổng quát của doanh nghiệp.

Hãy để 1C Việt Nam làm người bạn đồng hành tin cậy trên con đường tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Liên hệ chúng tôi ngay hôm nay và nhận tư vấn giải pháp chuyển đổi số thiết kế riêng cho doanh nghiệp bạn!

 

Triển khai giải pháp chuyển đổi số
cho doanh nghiệp của bạn ngay hôm nay