Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC năm 2020 về việc phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam của Bộ Tài chính, 2022 - 2025 là giai đoạn áp dụng tự nguyện IFRS.
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là một trong các đối tượng cần triển khai IFRS ở giai đoạn áp dụng tự nguyện, cụ thể là đối với báo cáo hợp nhất của công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, hoặc có khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên,việc áp dụng từ phía doanh nghiệp đang còn gặp nhiều thách thức.
Một trong số đó là về nội dung của các chuẩn mực IFRS. Hiện tại, các doanh nghiệp kêu khó khi chỉ có thể tiếp cận bộ chuẩn mực IFRS bản tiếng Anh, điều này gây ra những khó khăn nhất định do rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, mong các cơ quan quản lý Nhà nước có những hỗ trợ để doanh nghiệp hiểu sâu hơn, thống nhất khi áp dụng.
Xung quanh việc áp dụng IFRS trong giai đoạn tự nguyện 2022-2025, nhiều doanh nghiệp kêu khó do chưa có hướng dẫn thực hiện từ cơ quan quản lý nhà nước. Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, IFRS do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành và giữ bản quyền, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều không được cấp quyền xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng IFRS mà phải theo hướng dẫn kỹ thuật từ ủy ban này.
Theo ông Vinh, Bộ Tài chính Việt Nam chỉ có thể hướng dẫn thể thức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể áp dụng thuận lợi như làm rõ tính pháp lý của báo cáo tài chính được lập ra, khung pháp lý cấp quyền cho các đối tượng áp dụng IFRS có thể chủ động xây dựng hệ thống tài khoản phù hợp với IFRS thay vì chốt cứng danh mục tài khoản… Bộ Tài chính đang khẩn trương soạn thảo thông tư hướng dẫn thể thức áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp.
Ông Vinh cũng cho biết, hiện tại, bản dịch về chuẩn mực IFRS ra tiếng Việt đã được chuẩn bị xong. Đây là một công cụ hỗ trợ thị trường mà Bộ Tài chính cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ sở giảng dạy giúp tiếp cận IFRS dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do bản dịch có dung lượng hàng nghìn trang nên đòi hỏi phải có thời gian hiệu đính.
Vì vậy, bản dịch về IFRS sẽ được công bố theo cách “cuốn chiếu”. Dự kiến, trong năm nay, sẽ cho công bố bản dịch một cách cuốn chiếu những phần đã hiệu đính xong để công chúng tiếp cận dần và phần còn lại sẽ được công bố hết trong những năm tới.
Ông Vinh cũng cho biết, hiện nay, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đang tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực để giúp các giảng viên được đào tạo sẽ là những "cánh tay" nối dài của Bộ Tài chính để có thể tuyên truyền và thực hiện các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng IFRS.