Phương pháp quản trị dự án là tập hợp các nguyên tắc, công cụ và kỹ thuật được sử dụng trong việc lập kế hoạch, thực hiện và quản lý dự án. Phương pháp quản lý dự án giúp người quản lý dẫn dắt thành thành viên trong nhóm, quản lý công việc và đồng thời đảm bảo việc hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm.
Có nhiều phương pháp quản lý khác nhau với những ưu nhược điểm nhất định. Với mỗi dự án sẽ có những phương pháp quản trị khác nhau, vì thế bạn cần am hiểu về các phương pháp quản trị dự án để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Dưới đây là Top 10 các mô hình quản trị dự án hàng đầu được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như phát triển phần mềm, R&D và phát triển sản phẩm.
Nếu bạn đang trong quá trình tìm hiểu về phương pháp quản lý dự án, thì dưới đây là tổng quan về các phương pháp bạn có thể sử dụng.
Đây có thể được coi là phương pháp đơn giản với cách tiếp cận truyền thống nhất trong các phương pháp sắp được nhắc tới. Phương pháp thác nước là một quá trình trong đó các giai đoạn của dự án vận hành từ trên xuống như dòng chảy của thác nước. Mô hình thác nước chỉ cho phép bạn chuyển sang giai đoạn khác sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ của giai đoạn trước đó.
Ngành nghề phù hợp: Phương pháp thác nước này phù hợp cho các dự án sản xuất và xây dựng có tính cố định cao, nếu thay đổi về sau thì sẽ khiến chi phí tăng lên rất nhiều bị. Mô hình thác nước sử dụng biểu đồ Gantt để lập kế hoạch.
Phương pháp quản lý dự án Agile là một cách phát triển và hợp tác linh hoạt, cho phép chia các dự án lớn thành các dự án nhỏ, để dễ dàng quản lý hoặc thay đổi để cải tiến quy trình. Chính bởi sự linh hoạt này mà phương pháp Agile rất phổ biến trong lĩnh vực phát triển phần mềm và sản phẩm.
Ngành nghề phù hợp: Không chỉ phổ biến trong lĩnh vực phát triển phần mềm và sản phẩm, phương pháp Agile còn được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất thiết bị y tế, thực phẩm, quần áo, xe,.. Nó cũng đặc biệt phù hợp trong các dự án cần tiến độ sản xuất và khả năng đáp ứng nhanh.\
Phương pháp Scrum là một cách tiếp cận trong thời điểm “chạy nước rút” để quản lý dự án. Phương pháp này lý tưởng cho một nhóm không quá 10 người, thường kéo dài trong 2 tuần với các cuộc họp ngắn hàng ngày. Scrum không phải là một hệ thống các phương pháp luận mà nó là cách thức giúp làm việc nhóm với nhau hiệu quả để tạo ra một sản phẩm phức tạp.
Ngành nghề phù hợp: Giống như Agile, phương pháp scrum được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực phát triển phần mềm và có thể áp dụng cho mọi ngành nghề logistic, bán lẻ hoặc bất kỳ dự án nào yêu cầu sự linh hoạt.
PMBOK không giống như một phương pháp mà có thể coi nó như một hướng dẫn tiêu chuẩn giúp dự án hoàn thành tốt nhất. PMBOK cung cấp các định nghĩa và hướng dẫn cho việc lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dự án.
Ngành nghề phù hợp: Hầu hết các dự án đều có thể sử dụng PMBOK. Các chuyên gia quản lý cho rằng đây là một tiêu chuẩn vàng đối với các nhà quản lý dự án và được công nhận trên toàn thế giới. PMBOK là một cái khung tiêu chuẩn để chạy một dự án.
Trong phương pháp đường găng, bạn xây dựng một mô hình của dự án, bao gồm tất cả các nhiệm vụ và thời hạn của nó. Ngoài ra bạn cũng cần đánh dấu mức độ phụ thuộc của các nhiệm vụ và các điểm mà dự án của bạn đến hạn hoàn thành. Với mô hình này, bạn có thể xác định được chuỗi nhiệm vụ hoàn chỉnh để hoàn thành dự án, hay còn được gọi là đường dẫn quan trọng. Bạn cần chú ý vào các nhiệm vụ đó vì nếu một nhiệm vụ bị trì hoãn thì toàn bộ dự án sẽ bị trì hoãn.
Ngành nghề phù hợp: CPM hoạt động tốt hơn với dự án vừa và nhỏ. Dự án càng lớn thì càng khó trong việc thu thập các dữ liệu để lập sơ đồ và hiểu ý nghĩa của các số liệu.
Phương pháp quản trị chuỗi găng nhấn mạnh vào số lượng tài nguyên cần để thực hiện công việc. Phương pháp này là mở rộng của phương pháp đường găng. Trong phương pháp CCPM, các tài nguyên được phân bổ một cách linh hoạt và dễ dàng trao đổi qua lại giữa các nhiệm vụ khác nhau.
Ngành nghề phù hợp: CCPM có thể được áp dụng ở cả công ty lớn và công ty nhỏ cũng như các dự án đơn lẻ. Nó được sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực như xây dựng, phát triển phần mềm và phát triển công nghệ.
Phương pháp Kanban là một cách tiếp cận trực quan để quản lý dự án. Nó giúp quản lý dự án bằng việc đặt các nhiệm vụ lên một cái bảng trắng, nơi mà các thành viên trong nhóm có thể theo dõi tiến độ làm việc. Phương pháp Kanban giúp giảm thiểu sự thiếu hiệu quả, là một công cụ quản lý dự án tuyệt vời.
Ngành nghề phù hợp: Ban đầu, phương pháp này được tạo ra cho các nhóm sản xuất và phần mềm. Ngày nay, chúng được sử dụng rộng rãi trong nhân sự, Marketing, quy trình quản lý và quản lý các khoản phải thu, phải trả. Hầu hết, mọi người đều có thể lập kế hoạch bằng bảng Kanban, thêm thẻ thể hiện các giai đoạn của dự án, thời hạn nhiệm vụ, con người và ý tưởng.
Lập trình cực hạn là một kiểu phát triển phần mềm linh hoạt với chu kỳ phát triển ngắn, với nhiều phiên bản được phát hành nhằm cải thiện năng suất và đưa ra các điểm mốc để các yêu cầu mới của khách hàng có thể được áp dụng.
Ngành nghề phù hợp: Khi các yêu cầu của khách hàng được thay đổi thường xuyên, bạn sẽ muốn sử dụng phương pháp lập trình cực hạn. Nó tốt trong trường hợp các yêu cầu của khách hàng được thay đổi thường xuyên và liên tục.
Quản lý dự án tinh gọn (LEAN) là một phương pháp dùng để cắt giảm lãng phí, nhờ đó tăng giá trị trong các dự án và quy trình sản xuất. LEAN tập trung vào việc loại bỏ lãng phí khỏi các quy trình chính để tạo ra những tác động tích cực lên dòng giá trị thông qua việc tối ưu hóa công nghệ, tài sản.
Ngành nghề phù hợp: Phương pháp LEAN được Toyota phát triển và là một phương pháp tuyệt vời để sử dụng trong sản xuất. Hiện tại, nó đã được áp dụng bởi các ngành xây dựng và giáo dục, cùng nhiều ngành khác trong lĩnh vực sản xuất cũng như các công ty phát triển phần mềm đang tìm cách thúc đẩy phát triển sản phẩm và tập trung vào người dùng cuối.
Phương pháp Six Sigma được sử dụng nhằm cải thiện chất lượng bằng cách loại bỏ những yếu tố không hiệu quả trong dự án. Ngoài ra còn có Lean Six Sigma bổ sung phương pháp tinh gọn để loại bỏ lãng phí.
Ngành nghề phù hợp: Phương pháp này hoạt động tốt nhất trong các tổ chức lớn. Đối với công ty có vài trăm nhân viên cũng có thể quá nhỏ để tận dụng được lợi ích của nó.