Data Driven là gì? Quy trình ứng dụng Data Driven hiệu quả
Khái niệm Data Driven đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với phòng ban Marketing. Vậy Data Driven là gì? Làm thế nào để ứng dụng Data Driven một cách hiệu quả? Cùng giải đáp các câu hỏi trên qua bài viết dưới đây của 1C Việt Nam nhé!
1. Data Driven là gì?
Data Driven là gì? Data Driven là một phương pháp tổng hợp thông tin, dữ liệu thực tế để doanh nghiệp đưa ra các quyết định chính xác và có hiệu quả cao. Việc sử dụng Data Driven sẽ giúp doanh nghiệp đo lường được tính khả thi của quyết định thay vì dựa trên trực giác.
Một trong những ứng dụng Data Driven phổ biến nhất có thể kể đến là Data Driven Marketing (Tiếp thị theo hướng dữ liệu). Dựa vào việc tổng hợp dữ liệu hiện có của người tiêu dùng như thói quen, sở thích, tần suất mua hàng,…doanh nghiệp có thể xác định được chính xác nhu cầu, mong muốn của khách hàng, từ đó xây dựng các chiến lược quảng bá phù hợp.
>>>> XEM THÊM:Data là gì? Tầm quan trọng, ứng dụng trong doanh nghiệp
2. Lợi ích của Data Driven
Data Driven là một phương pháp khoa học, giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu và lợi nhuận, đồng thời tối ưu mức chi phí bỏ ra. Phương pháp này vượt trội hơn hẳn so với việc đưa ra quyết định dựa trên cảm tính nhờ vào những lợi ích như:
Đề xuất các quyết định kinh doanh: Với Data driven, các quyết định kinh doanh được xây dựng dựa trên dữ liệu đã được phân tích, hạn chế yếu tố cảm xúc, ý kiến cá nhân của người đưa ra quyết định. Việc tiếp cận phương pháp này từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các lực chọn chính xác hơn, cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Xác định mối đe dọa và xu hướng đang thịnh hành: Việc phân tích thông tin tìm kiếm của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp xác định được nhu cầu thị trường hoặc những xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Nhờ vào những thông tin trên, người làm Marketing có thể chuẩn bị các chiến lược quảng bá sản phẩm để nắm bắt các cơ hội mới.
Tạo nên sự kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng: Với việc có trong tay thông tin về mong muốn, nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp sẽ nắm được thói quen tiêu dùng, sở thích và những khó khăn của khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Từ đó, nhà quản trị có thể kết nối và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng mục tiêu của mình.
Nâng cao hiệu suất lâu dài cho doanh nghiệp: Data Driven giúp xác định được những điểm kém hiệu quả, lãng phí và từ đó đưa ra các quy trình, giải pháp tối ưu nguồn lực cho doanh nghiệp.
Tăng cường tính cạnh tranh: Việc xác định được các xu hướng trong tương lai từ sớm thông qua Data Driven giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực cũng như chiến lược marketing để chiếm lĩnh thị phần và dẫn đầu xu thế.
Tiết kiệm chi phí: Không chỉ nâng cao sức cạnh tranh và doanh thu của doanh nghiệp, Data Driven còn giúp nhà quản trị tìm ra các điểm thiếu hiệu quả, lãng phí của doanh nghiệp. Sau đó phân bổ lại nguồn lực, tối ưu quy trình và tiết kiệm chi phí.
3. Quy trình ứng dụng Data Driven hiệu quả trong Marketing
Sau khi hiểu rõ Data Driven là gì, có thể dễ dàng nhận thấy phòng Marketing sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích nếu áp dụng hiệu quả công cụ này. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết quy trình ứng dụng Data Driven trong hoạt động Marketing:
3.1 Bước 1: Thu thập dữ liệu
Để sử dụng Data Driven hiệu quả, doanh nghiệp cần thu thập một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, chính xác, đầy đủ và liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Điều này sẽ giúp dự án tiến hành trơn tru, đạt được hiệu quả tốt nhất.
Theo như nghiên cứu, việc thu thập dữ liệu và xử lý chiếm 20% thời gian của dự án nhưng đóng góp đến 80% sự thành công của dự án đó. Một vài cách thức thu thập dữ liệu phổ biến có thể kể đến như:
Khảo sát: Tiếp cận được tệp đối tượng khách hàng lớn thông qua Google form.
Các báo cáo, nghiên cứu uy tín: Thu thập dữ liệu từ các báo cáo trong quá khứ.
Phỏng vấn: Doanh nghiệp có thể sử dụng cách này với một vài cá nhân cụ thể.
3.2 Bước 2: Xử lý và phân loại nguồn dữ liệu
Sau khi hoàn thành việc thu thập, những dữ liệu này sẽ tồn tại dưới dạng dữ liệu thô và để có thể áp dụng Data Driven thì doanh nghiệp cần tiến hành xử lý một cách hiệu quả. Doanh nghiệp có thể tuân theo các tiêu chí sau để lọc ra những dữ liệu chất lượng:
Mức độ chính xác (Accuracy): Thể hiện mức độ tin tưởng, xác thực của thông tin mà doanh nghiệp đã thu thập.
Tính đầy đủ (Completeness): Thể hiện mức độ bao quát, chi tiết của thông tin sau khi được thu thập.
Tính nhất quán (Consistency): Thể hiện thông tin nhất quán, không có sự mâu thuẫn đối lập của cùng một thông tin.
Ví dụ: Trong 1 cơ sở dữ liệu về các giao dịch của ngân hàng, thời gian giao dịch được định dạng theo tiêu chuẩn dd/mm/yy thì các dữ liệu còn lại cũng phải được định dạng theo dd/mm/yy chứ không được xuất hiện mm/dd/yyyy tại bất kỳ trường dữ liệu nào, tương tự với nhiều cơ sở dữ liệu khác.
Sau khi đã thu thập và chọn lọc các dữ liệu chất lượng, doanh nghiệp sẽ tiến hành phân loại dựa trên mục đích sử dụng. Trong một tổ chức, các dữ liệu có thể được phân loại như sau:
Dữ liệu có thể tham gia: Là những dữ liệu có thể chia sẻ, tổng hợp với dữ liệu khác của doanh nghiệp khi cần.
Dữ liệu có thể chia sẻ: Là dữ liệu có thể chia sẻ trong các phòng ban doanh nghiệp.
Dữ liệu có thể truy vấn: Là những dữ liệu được lọc, trích xuất từ một cơ sở dữ liệu lớn hơn. Từ đó doanh nghiệp có thể lọc, sắp xếp theo các tiêu chí phù hợp để dễ dàng truy vấn phục vụ các mục đích sử dụng về sau.
3.3 Bước 3: Báo cáo dữ liệu
Dữ liệu sau khi xử lý, phân loại sẽ được sử dụng để báo cáo. Tùy vào mục đích sử dụng, dữ liệu sẽ được lọc và phân loại sao cho phù hợp với nội dung, thông điệp doanh nghiệp muốn truyền tải. Khi báo cáo dữ liệu, người thực hiện cần lưu ý một số điều sau:
Nắm được mục tiêu, thông điệp muốn truyền tải của báo cáo, từ đó lựa chọn ra những dữ liệu phù hợp.
Phân tích và liên kết các dữ liệu sao cho đảm bảo tính ngắn gọn, dễ quan sát, thể hiện rõ thông điệp cần truyền tải.
Sử dụng linh hoạt các hình ảnh để theo dõi dữ liệu trực quan nhất: Biểu đồ cột, biểu đồ tròn,...
>>>> TÌM HIỂU NGAY:Quản trị rủi ro là gì? Vai trò và quy trình quản trị rủi ro hiệu quả
3.4 Bước 4: Phân tích dữ liệu
Dựa vào quá trình báo cáo và phân tích dữ liệu, doanh nghiệp sẽ nhận thấy các vấn đề còn tồn đọng. Tuy nhiên, các vấn đề được thể hiện dưới những con số nên nếu muốn tìm ra nguyên nhân cốt lõi, doanh nghiệp cần kết hợp Data Driven với các phương pháp quản trị khác.
3.5 Bước 5: Ứng dụng dữ liệu để xây dựng chiến dịch Marketing
Dựa trên những dữ liệu đã được thu thập, doanh nghiệp sẽ xác định các mục tiêu cụ thể cho từng chiến dịch Marketing và lên kế hoạch phù hợp để thực hiện mục tiêu đó. Doanh nghiệp nên chọn các kênh truyền thông cần thiết cũng như thông điệp muốn truyền tải phù hợp với từng tệp khách hàng. Ví dụ, Facebook là kênh giúp doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu hiệu quả trong khí đó Tiktok sẽ dễ dàng tiếp cận tệp khách hàng trẻ độ tuổi từ 18-40.
Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, Data Driven dự kiến sẽ trở thành xu hướng chính của các doanh nghiệp. Một số ứng dụng của Data Drive 2024 như:
Tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học: Với sự phát triển của công nghệ, AI sẽ tối ưu hóa việc thu nhập và phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định chính xác và tối ưu hơn.
Phân tích dữ liệu thời gian thực: Để kịp thời phản ứng với các biến đổi nhanh chóng của thị trường, Data Driven sẽ là công cụ phù hợp cho việc xử lý, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định một cách kịp thời.
Bảo mật dữ liệu: Việc bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng cũng như dữ liệu của công ty ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại hiện nay. Vì thế, bên cạnh việc thu thập, phân loại và phân tích chính xác, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến vấn đề lưu trữ và bảo mật để tránh rủi ro thất thoát dữ liệu không đáng có.
Tiếp thị đa kênh: Việc sử dụng đa nền tảng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng mục tiêu trên mọi điểm chạm trên hành trình mua hàng của họ.
Phân tích chân dung khách hàng tổng thể và chi tiết: Data Driven giúp cho doanh nghiệp nắm được thông tin quan trọng về khách hàng, từ đó phác họa lên danh tính, đặc điểm hành vi tiêu dùng, mức độ tương tác, sở thích,...;
SEO Content Marketing: Bằng cách áp dụng Data Driven Marketing, doanh nghiệp cần chú trọng hơn trong việc sử dụng từ khóa thích hợp cho các chiến dịch của họ. Việc sử dụng đúng từ khóa sẽ làm tăng khả năng hiển thị của doanh nghiệp trên Google và dễ dàng tiếp cận được với khách hàng mục tiêu hơn.
Mong rằng với những kiến thức 1C Việt Nam cung cấp, Quý doanh nghiệp đã hiểu hơn về Data Driven là gì cũng như cách áp dụng phương pháp này vào thực tế. Trong tương lai, xu hướng này được dự đoán sẽ trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bán hàng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, hãy liên hệ đến 1C Việt Nam để được hỗ trợ.